Khu bảo tồn Nam Động

Khu bảo tồn các loại hạt trần quý, hiếm
Trang chủ / Tin tức / Phát hiện và mô tả một loài Mộc hương mới cho khoa học ở Việt Nam

Phát hiện và mô tả một loài Mộc hương mới cho khoa học ở Việt Nam

Một loài thực vật, Mộc hương Núi Chúa (Aristolochia nuichuaensis), loài mới cho khoa học vừa được phát hiện và mô tả từ Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam.
Trên thế giới, chi Mộc hương (Aristolochia L.) gồm khoảng 600 loài phân bố chủ yếu vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, là một trong những nhóm thực vật quan trọng, có giá trị làm cảnh, làm thuốc hay cung cấp thức ăn cho sâu non thuộc họ Bướm phượng (Papilionidae, Lepidoptera). Ở Việt Nam, chi này được biết khoảng 25 loài thuộc 2 phân chi Aristolochia và Siphisia.

Trong khi nghiên cứu đa dạng chi Mộc hương ở Việt Nam, các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Sinh thái học Miền Nam, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và cán bộ Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận, đã phát hiện và mô tả một loài thực vật mới thuộc họ Mộc hương (Aristolochiaceae) ở Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận, Việt Nam. Loài thực vật mới có tên khoa học là Mộc hương Núi Chúa, Aristolochia nuichuaensis V.T.Do & H.T.Luu.

Loài mới có đặc điểm hình thái tương tự với các loài Aristolochia baenzigeri, A. bidoupensis, và A. petelotii; tuy nhiên, loài mới được phân biệt với các loài kể trên bởi những đặc trưng hình thái như: phiến lá hình tim, trục cụm hoa dài đến 20 cm, phần trên của ống bao hoa hình trụ, thuôn dài và hẹp hơn nhiều so với phần dưới, mặt ngoài duy nhất màu tím, mặt trong duy nhất màu trắng, môi hình chuông, đường kính 4.5-5 cm, thùy không cuộn lại, bề mặt ngoài màu trắng với nhiều đường gờ màu tím nổi rõ, bề mặt trong màu trắng với nhiều đường gờ lõm và mụn cơm, họng hình ellip, màu trắng; gynostemium với 3 thùy nhọn. Những đặc điểm hình thái trên đặt loài mới này trong phân chi Siphisia.

Đây là loài thứ 8 của phân chi Siphisia được phát hiện và mô tả gần đây ở Việt Nam và nâng tổng số loài củaphân chi Siphisia ở Việt Nam lên 16 loài. Chúng tôi cũng liệt kê thành phần loài, phân bố và xây dựng khóa định loại cho tất cả các loài của phân chi Siphisia ở Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí chuyên ngành Annales Botanici Fennici số 56, năm 2019. Thông tin chi tiết tham khảo tại: https://bioone.org/journals/annales-botanici-fennici/current.

Nguồn tin: TS. Đỗ Văn Trường

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Ảnh: Đặc điểm hình thái của Aristolochia nuichuaensis (Ảnh: Lưu Hồng Trường)

Bài viết liên quan

Thư viện ảnh - video

Khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động
Bài viết hình ảnh
Tập huấn kỹ thuật PCCCR tại huyện Quan Sơn

Tin mới nhất

Hoạt động - Sự kiện