Khu bảo tồn Nam Động

Khu bảo tồn các loại hạt trần quý, hiếm
Trang chủ / Giá trị Đa dạng sinh học của khu bảo tồn

Giá trị Đa dạng sinh học của khu bảo tồn

1. Đa dạng về các loài hạt trần.

Khi thành lập khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động đã phát hiện, ghi nhận có sự hiện diện của 6 loài hạt trần quý hiếm hiện đang trong tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng gồm: Thông pà cò (Pinus kwangtungensis), Đỉnh tùng (Cephalotaxus mannii), Dẻ tùng sọc hẹp (Amentotaxus argotaenia) (trước có tên Dẻ tùng sọc trắng), Thông tre lá dài (Podocarpus neriifolius) (trước là Thông tre) và phát hiện thêm 2 loài mới trong khu vực là Dẻ tùng sọc rộng (Amentotaxus yunnanensis), Thông đỏ đá vôi (Taxus chinensis).

Quá trình triển khai thực hiện các giải pháp bảo tồn, đã phát hiện, bổ sung thêm 03 loài hạt trần mới cho khu bảo tồn: Gắm núi (Gnetum montanum Magf), Gắm lá rộng (Gnetum latifollium Blume) và Thông tre lá ngắn (Podocarpus pilgeri Foxw). Qua đó đã nâng tổng số loài hạt trần quý, hiếm trong Khu bảo tồn lên 9 loài.

2. Đa dạng về kiểu thảm thực vật rừng

2.1. Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới đai 700-1600m

Rừng hỗn giao cây lá rộng và cây lá kim trên núi đá vôi: Diện tích 401,84 ha; rừng gồm 4 tầng với 2 tầng cây gỗ, 1 tầng cây bụi, 1 tầng cỏ – khuyết thực vật. Thành phần loài cây gỗ thuộc tầng ưu thế sinh thái là các cá thể của Thông pà cò (Pinus kwangtungensis Chun ex Tsiang), Trẩu núi (Vernicia montana Lour), Bi tát (Pistacia weinmanifolia Franch), Pterocarya tonkinensis Dode,… Trong kiểu thảm này có 3 loài hạt trần quý hiếm phân bố là Thông đỏ bắc (Taxus chinensis), Thông tre lá dài (Podocarpus neriifolius) và Thông pà cò (Pinus kwangtungensis). Các loài cây gỗ lá rộng điển hình mọc hỗn giao với cây lá kim trên đường đỉnh núi đá vôi là Cơi đỉnh đá vôi (Platycarya strobilacea), một số loài Sồi cau (Quercus spp) và Sồi đá (Lithocarpus spp), Bít tát lá nhỏ (Pistacia weinmannifolia) và Quéo rừng (Mangifera sp)… Một số loài cây bụi thường gặp như Huyết giác (Pleomele cochinchinensis), Euonymus sp., Garcinia sp., dây leo gỗ nhỏ như Alyxia sp., Trúc dây trườn (dưới họ Tre Bambusoideae thuộc họ Lúa Poaceae), Tầm gửi nghiến (Vaccinium sp), rất nhiều (ít nhất 30 loài) loài Lan sống bám trên đá hay trên cây gỗ.

Rừng kín thường xanh cây lá rộng mưa ẩm nhiệt đới trên núi đá vôi: Kiểu rừng này có diện tích 52,0 ha, rừng gồm 4 tầng với 2 tầng cây gỗ, 1 tầng cây bụi, 1 tầng cỏ – khuyết thực vật. Tầng cây gỗ chiếm ưu thế sinh thái là các loài Dẻ gai (Castanopsis spp), Sồi đá balăngxa (Lithocarpus balansae), một vài loài Sồi đá khác (Lithocarpus sp), một số loài Giổi (Magnolia spp), một số loài Re như Quế (Cinnamomum sp), một số loài Gội (Aglaia spp), Aphanamixis sp., Trám (Canarium sp), các loài Đa (Ficus spp). Ba loài hạt trần ghi nhận trong kiểu rừng này là Đỉnh tùng (Cephalotaxus mannii), Dẻ tùng sọc hẹp (hay Dẻ tùng sọc trắng) (Amentotaxus argotaenia) và Dẻ tùng sọc rộng (Amentotaxus yunnanensis) phân bố rải rác. Tầng cây bụi ưu thế là các loài Lài trâu (Tabernaemontana bovina), Quỳnh lãm (Gonocaryum lobbianum), các loài trong họ Đơn nem Myrsinaceae, Cỏ roi ngựa Verbenaceae … Tầng cỏ quyết thưa thớt với các loài thường gặp gồm Quyển bá yếu (Selaginella delicatula); Ráng sẹo gà (Pteris ensiformis); các loài thuộc các chi Alocasia, Amorphophallus, Colocasia của họ Ráy (Araceae), thuộc chi Licuala của họ Cau Arecaceae, chi Costus của họ Mía dò – Costaceae, chi Dracaena của họ Huyết giác – Dracaenaceae. Dây leo và bì sinh gồm các loài thuộc họ Tổ điểu – Aspleniaceae, Khúc khắc – Smilacaceae nhưng chiếm số lượng không nhiều. Nhìn chung kiểu rừng này rất nhạy cảm về sinh thái, nếu bị tác động rất khó phục hồi.

Rừng kín thường xanh cây lá rộng mưa ẩm nhiệt đới trên núi đất: Diện tích 44,54 ha, kiểu rừng này gồm 4 tầng với 2 tầng cây gỗ, 1 tầng cây bụi, 1 tầng cỏ – khuyết thực vật. Tầng cây gỗ ưu thế sinh thái đại diện các loài Sảng (Sterculia lanceolata), Quyếch hoa chùy (Chisocheton paniculatu)… Tầng cây gỗ dưới tán là các cây gỗ tái sinh của tầng tán chính đang trong giai đoạn cây chịu bóng, đại diện là các loài Cứt ngựa (Archidendron balansae), Sảng (Sterculia nobilis)… Tầng cây bụi ưu thế là các loài Mán đỉa (Archidendron clypearia); Trang (Ixora spp), Lấu (Psychotria spp) và một số loài thuộc họ Mua (Melastomataceae), Đơn nem (Myrsinaceae), Cỏ roi ngựa (Verbenaceae) … Tầng cỏ quyết gồm Quyển bá yếu (Selaginella delicatula), chi Phrynium của họ Hoàng tinh (Marantaceae), chi Alpinia của họ Gừng (Zingiberaceae). Dây leo và bì sinh gồm các loài thuộc họ Khoai lang – Convolvulaceae, Bầu bí – Cucurbitaceae, Đậu – Fabaceae, Khúc khắc – Smilacaceae.

2.2. Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới dưới 700m.

Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên núi đá vôi: Diện tích 49,0 ha, đây chính là kiểu rừng đặc trưng và điển hình của khu vực với sự hiện diện của các cây gỗ quý hiếm và cây gỗ lớn có đường kính D1,3 > 40 cm, chiều cao từ 15 – 25 m. Kiểu rừng này với cây gỗ chiếm ưu thế là Nghiến gân ba (Excentrodendron tonkinense), Trai lý (Garcinia fagraeoides), Trai đại bao (Garcinia bracteata)… Các loài cây bụi có: Lài trâu (Tabernaemontana bovina), Quỳnh lãm (Gonocaryum lobbianum)… Thảm tươi đại diện là loài Quyết thực vật (Fern), Gai bắc bộ (Boehmeria tonkinensis gagnep), Han voi (Dendrocnide urentissima)…

Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới trên núi đất: Diện tích 43,71 ha, kiểu rừng này có cấu trúc một tầng cây gỗ, thành phần thực vật chủ yếu là các loài cây ưa sáng, một số cây gỗ còn lại thường thấp. Chiều cao bình quân của lâm phần từ 8 – 15m. Đại diện là các loài Bồ đề (Styrax tonkinensis), Ba bét (Mallotus paniculatus), Thôi chanh (Alangium kurzii)… Ngoài ra, ở một số khu vực có phân bố rừng hỗn giao cây lá rộng với các loài tre nứa. Tầng cây bụi và tầng thảm tươi phát triển mạnh với các loài Lài trâu (Tabernaemontana bovina), Quỳnh lãm (Gonocaryum lobbianum), Trác trác ngũ giác (Ardisia quinguegona), Quyết thực vật (Fern)…

Kiểu phụ trảng cỏ cây bụi nhiệt đới trên núi đất: Diện tích 22,24 ha, phân bố chủ yếu ở các thung lũng giữa các dãy núi đá nối tiếp nhau. Có một số ít hình thành sau nương rẫy từ ngang sườn lên đỉnh dông, phân bố thành từng đám nhỏ hoặc dải hẹp. Thành phần thực vật là các loài cây bụi hỗn giao với cỏ cao, điển hình là Cỏ lào (Eupatorium odoratum), Thẩu tấu phổ thông (Aporosa dioica)… Các loài cỏ cao có Đót (Thysanolaena maxima), Lau (Saccharum arundinaceum)… Các loài cỏ khác có Thuỷ giá thảo (Apluda mutica), Cỏ tranh (Imperata cylindrica)… Đây chính là nơi cung cấp thức ăn cho các loài động vật ăn cỏ và là nơi sinh sống của các loài côn trùng, thú nhỏ.

3. Các loài thực vật quý, hiếm, đặc hữu.

Trong tổng số 314 loài thuộc 235 chi, 107 họ thuộc 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 13 loài thuộc Danh lục đỏ Việt Nam 2007, 02 loài được ghi nhận ở mức Nguy cấp (EN), 11 loài còn lại thuộc mức độ sẽ nguy cấp (VU).

4. Đa dạng hệ động vật rừng.

Kết quả điều tra sơ bộ ban đầu đã ghi nhận được 24 loài thú, 11 họ, 5 bộ trong đó có 18 loài nằm trong Danh lục đỏ Việt Nam 2007, Danh lục đỏ thế giới 2012.