Khu bảo tồn Nam Động

Khu bảo tồn các loại hạt trần quý, hiếm
Trang chủ / Tin tức / Đa dạng hệ sinh thái và hệ sinh vật tại Khu bảo tồn các loài hạt trần quý hiếm Nam Động, huyện Quan Hóa (Khu bảo tồn Nam Động).

Đa dạng hệ sinh thái và hệ sinh vật tại Khu bảo tồn các loài hạt trần quý hiếm Nam Động, huyện Quan Hóa (Khu bảo tồn Nam Động).

Trong 02 năm (2015-2016), Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Trung tâm Môi trường và Phát triển Lâm nghiệp bền vững triển khai thực hiện dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học; điều tra, lập danh lục khu hệ động, thực vật rừng Khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động, huyện Quan Hoá”. Kết quả điều tra cho thấy Khu bảo tồn Nam động tuy có diện tích nhỏ là 646,95ha, nhưng rất đa dạng về hệ sinh thái và hệ sinh vật. Cụ thể như sau:

I. Đa dạng hệ sinh thái (HST):

Kết quả điều tra theo quan điểm sinh thái phát sinh quần thể và hệ thống phân loại thảm thực vật Việt Nam của tiến sỹ Thái Văn Trừng, thảm thực vật rừng trong khu vực nghiên cứu bao gồm các kiểu rừng sau

1. Thảm thực vật á nhiệt đới núi trung bình (> 700m): Có 9 kiểu phụ.

  • Rừng hỗn giao cây lá kim với cây là rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới ít bị tác động (nguyên sinh) trên đá vôi đai độ cao 700 – 1.600 m: Đại diện là các quần xã rừng nguyên sinh thường xanh cây lá kim hoặc rừng hỗn giao với cây lá rộng trên đỉnh và đường đỉnh ưu thế Thông pà cò Pinus kwangtungensis, Thông tre Podocarpus neriifolius, Bi tát Pistacia weinmanifolia, Mắc mật (Clausena indica), Huyết giác (Dracaena cambodiana), han, thu hải đường (Begonia sp.), Rhododendron spp, Vaccinium dunalianum …
  • Rừng kín thường xanh cây lá rộng mưa mùa nhiệt đới ít bị tác động (nguyên sinh) trên đất feralit phát triển từ đá vôi đai độ cao 700 – 1.600 m: Phân bố trên đỉnh và đường đỉnh. Các loài thực vật ưu thế là Vai lá trái xoan Daphniphyllum glaucescens, Sơn trà Eriobotrya bengalensis, Bi tát Pistacia weinmanifolia, Hòa hương Platycarya strobilifera, Chân chim núi Schefflerapes-avis, Thích bắc bộ Acer tonkinense, Đa các loại Ficus spp, ngoài ra có các loài thuộc họ Giẻ (Fagaceae), côm (Elaeocarpus sp.),…
  • Rừng kín thường xanh cây lá rộng mưa mùa nhiệt đới ít bị tác động (nguyên sinh) trên đất feralit phát triển từ đá bazan đai độ cao 700 – 1.600 m: Các quần xã rừng kín nguyên sinh thường xanh này ưu thế bởi các loài Dẻ núi Castanopsis acuminatissima, Dẻ giáp Castanopsis armata, Dẻ xanh Lithocarpus pseudosundaicus, Giổi láng Michelia foveolata, Dẻ tùng sọc trắng Amentotaxus argotaenia, Tùng Amentotaxus yunnanensis, Đỉnh tùng Cephalotaxusmannii, Sồi sa pa Quercus chapaensis, Kim giao Nageia wallichiana,…
  • Rừng cây lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới đã bị tác động (thứ sinh) trên đất feralit phát triển từ đá vôi đai độ cao 700 – 1.600m: Các quần xã rừng thứ sinh thường xanh ưu thế Cốc đá Garuga pierrei, Mạy tèo Streblus macrophyllus, Trai lý Garcinia sp., Chân danh Celatrus spp., Rungia sp.,….
  • Rừng cây lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới đã bị tác động (thứ sinh) trên đất feralit phát triển từ đá bazan đai độ cao 700 – 1.600m: Các quần xã rừng thứ sinh thường xanh ưu thế các loài Dẻ Castanopsis spp., Lithocarpus spp., Bùm bụp Mallotus barbatus, Lá nến Macaranga denticulata,….
  • Trảng cây bụi xen lẫn cây gỗ thứ sinh trên đất feralit phát triển từ đá vôi ở đai độ cao 700 – 1.600m: Các quần xã cây bụi thứ sinh thường xanh cây lá rộng ưu thế Mạy tèo Streblus macrophyllus, Súm Eurya spp., Xương cá Carallia sp., Huyết giác Dracaena cochinchinensis, Ruối ô rô Streblus icillifolius, …..
  • Trảng cỏ thứ sinh trên đất feralit phát triển từ đá vôi ở đai độ cao 700 – 1.600m: Đặc trưng là các quần xã cỏ thứ sinh chịu hạn ưu thế Sinarundinaria sp., Arundinaria sp,….
  • Trảng cỏ thứ sinh trên đất feralit phát triển từ đá bazan ở đai độ cao 700 – 1.600m: Các quần xã cỏ thứ sinh ưu thế Cỏ tranh Imperata cylindrica,…
  • Thảm thực vật tre nứa trên đất feralit phát triển từ các loại đá mẹ khác (trừ đá bazan và đá vôi) ở đai độ cao 700 – 1.600m
  • Các loài ưu thế là Giang Dendrocalamus patellaris Gamble, Nứa Neohouzeaua dullooa (Gamble) A. Camus = Taeniostachyum dulloa Gamble, Mạy Gigantochloa albo-ciliata (Munro) Kurz.

2. Thảm thực vật nhiệt đới núi thấp (<700m), có 14 kiểu phụ:

  • Rừng kín thường xanh cây lá rộng mưa mùa nhiệt đới ít bị tác động (nguyên sinh) trên đất feralit phát triển từ đá vôi đai độ cao dưới 700m: Có loài thực vật chiếm ưu thế: Chò Nhai Anogeissus acuminate, Nghiến Excentrodendron hsienmu, Sâng Pometia pinnata, Gội Aglaia sp. Các loài Đa Ficus spp.,…
  • Rừng cây lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới đã bị tác động (thứ sinh) trên đất feralit phát triển từ đá vôi đai độ cao dưới 700m: Là thảm đặc trưng với các quần xã rừng thứ sinh nhiệt đới thường xanh cây lá rộng ưu thế Ô rô Streblus ilicifolius, Mạy tèo Streblus macrophyllus, Trai lý Garcinia sp., và các loài Thị rừng Diospyrosspp.,…
  • Rừng cây lá rộng thường xanh mưa mùa nhiệt đới đã bị tác động mạnh (thứ sinh) trên đất feralit phát triển từ đá vôi đai độ cao dưới 700m: Đã bị tác động mạnh do tác động bên ngoài làm vỡ cấu cấu trúc tầng thứ của thảm. Hiện nay các quần xã của thực vật đang trong quá trình phục hồi, các loài loài thực vật ưu thế gồm Ô rô Streblus ilicifolius, Orophea tonkinensis, các loài Thị rừng Diospyrosspp.,các loài Đa Ficusspp,…
  • Trảng cây bụi xen lẫn cây gỗ thứ sinh trên đất feralit phát triển từ đá bazan ở đai độ cao dưới 700m: Các quần xã rừng thứ sinh nhiệt đới thường xanh cây lá rộng ưu thế Sau sau Liquidambar formosana, Ba soi Macaranga denticulata, Bục bạc Mallotus paniculatus, Thành ngạnh Cratoxylon spp., Thầu tấu Aporusa spp., Cỏ lào Eupatorium odoratum, Đơn (đồng) Maesa spp.,….
  • Trảng cây bụi thứ sinh trên đất feralit phát triển từ đá bazan ở đai độ cao dưới 700m: Đặc trưng của kiểu thảm này làcác quần xã cây bụi thứ sinh thường xanh cây lá rộng ưu thế Sim Rhodomyrtus tomentosa, Mua Melastoma candidum, Cỏ Lào Chronolaena odorata, Vót Viburnum spp, Guột Dicranopteris spp.,….
  • Trảng cây bụi thứ sinh trên đất feralit trên đất phát triển từ các loại đá mẹ khác (trừ đá bazan và đá vôi) ở đai độ cao dưới 700m: Các quần xã cây bụi thứ sinh thường xanh cây lá rộng đa loài, ưu thế Găng Randia spinosa, Thầu tấu Aporosa sphaerosperma, Phèn đen Phyllanthus reticulatus, Đỏ ngọn Cratoxylon pruniflorum, Hoắc quang Wendlandia paniculata, Ba chạc Euodia lepta, Lấu đỏ Psychotria rubra, Bồ cu vẽ Breynia fruticosa, Bục bạc Mallotus paniculatus, Cỏ lào Chronolaena odorata,…
  • Trảng cỏ thứ sinh trên đất feralit phát triển từ đá vôi ở đai độ cao dưới 700m: Trên đá feralit phát triển từ đá vôi có các quần xã cỏ thứ sinh ưu thế Cỏ tranh Imperatacylindrica, Chè vè Miscanthus japonicus, Lách Neyraudia zeynaudiana,… phân mảnh rải rác trong khu bảo tồn.
  • Trảng cỏ thứ sinh trên đất feralit phát triển từ đá bazan ở đai độ cao dưới 700m: Các quần xã cỏ thứ sinh ưu thế Cỏ tranh Imperatacylindrica, Cỏ may Chrysopogon aciculatus, Kê Panicum maximum, Cỏ LàoChronolaena odorata,…
  • Trảng cỏ thứ sinh trên trên đất phát triển từ các loại đá mẹ khác (trừ đá bazan và đá vôi) ở đai độ cao dưới 700m: Đại diện có các quần xã cỏ thứ sinh ưu thế Lau Saccharum spontaneum, Chè vè Miscanthus japonicus, Cỏ tranh Imperata cylindrica, Chít Thysanolaena maxima, Cỏ lô mía Themeda gigantean, Lách Neyraudia reynaudiana, Cỏ lào Chronolaena odorata tái sinh sau nương rẫy.
  • Thảm thực vật cây trồng ngắn ngày: Rau màu: Ngô, Khoai, Rau các loại, Sắn,
  • Đất ruộng lúa nước Oryza sativa: Lúa.
  • Thảm cây nguyên liệu: Rừng trồng Tre, Luồng (Bambusa spp., Dendrocalamus spp.)
  • Nương rẫy: có diện tích khá lớn.
  • Thảm thực vật quanh bản làng: Cây ăn quả (Hồng bì Clausena sp., Ổi Psidium guava,) cây lấy gỗ (Xoan Melia azedarach, Lát Chukrasia tabularis) cây gia vị, cây nguyên liệu,…

II. Đa dạng loài sinh vật:

1. Hệ thực vật: Hệ thực vật bậc cao có mạch ở KBT Nam Động gồm 528 loài thuộc 407 chi, 128 họ, 52 bộ, 9 lớpvà 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Tuy có diện tích không lớn nhưng trong hệ thực vật của KBT chứa đựng các đại diện ở bậc taxon ngành của hệ thực vật Việt Nam. Cấu trúc hệ thống của hệ thực vật KBT Nam Động được thể hiện tại bảng 1:

Bảng 1. Đa dạng các bậc taxon của hệ thực vật

TT Ngành Tên Việt Nam Lớp Tỉ lệ % Bộ Tỉ lệ % Họ Tỉ lệ % Chi Tỉ lệ % Loài Tỉ lệ %
1 Psilotophyta Khuyết lá thông 1 11,11 1 1,61 1 0,78 1 0,27 1 0,19
2 Lycopodiophyta Thông đất 2 22,22 2 3,22 2 1,56 2 0,54 4 0,75
3 Polypodiophyta Dương xỉ 2 22,22 5 8,06 13 10,15 18 4,86 29 5,5
4 Pinophyta Thông đất 2 22,22 3 4,83 5 3,90 6 1,62 8 1,51
5 Magnoliophyta Ngọc lan 2 22,22 41 66,13 107 83,60 343 92,7 486 92,04
Tổng 9 100 62 100 128 100 370 100 528 100
  • Về giá trị tài nguyên thực vật: Trong 528 loài thực vật đang tồn tại, sinh trưởng và phát triển tại đây đã xác định được giá trị sử dụng thì nhiều loài cho nhiều công dụng khác nhau đã làm phong phú giá trị sử dụng với tổng số 868 công dụng. Trong đó, làm thuốc có 314 loài (59,47% tổng số công dụng), cho gỗ có 110 loài (20,83% tổng giá trị sử dụng), làm cảnh 118 loài (22,34% tổng số công dụng), làm thức ăn cho người có 45 loài (8,52% tổng số công dụng), ăn quả có 29 loài (5,5% tổng số công dụng) và các giá trị sử dụng: sợi, dầu, ăn quả và thức ăn gia súc,… cũng chiếm một tỷ lệ tương đối lớn. Tuy nhiên, nhóm giá trị về thuốc chiếm tỷ lệ lớn nhất với 314 loài, chiếm 59,47% tổng số công dụng và tiếp đến là nhóm giá trị: Uống, Ăn trầu, phân xanh, Bột giấy, Bóng mát, Thức ăn côn trùng, Trồng làm hàng rào, Bảo vệ đê, Đốt than, giá thể trồng nấm, Nhuộm với 151 loài, chiếm 28,6%. Đây là một nguồn tài nguyên rất có giá trị, phục vụ thiết yếu cho cuộc sống của cộng đồng trong vùng phân bố của hệ thực vật. Cần có chính sách qui hoạch bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên này cho các thế hệ mai sau.
  • Phổ dạng sống của hệ thực vật: Chiếm ưu thế thuộc vệ nhóm cây chồi trên với 455 loài (86,16% tổng số loài xác định được dạng sống) tiếp đến là nhóm cây chồi sát đất và nhóm cây chồi ẩn có 22 loài (mỗi nhóm chiếm 4,16% tổng số loài xác đinh được dạng sống), nhóm cây hằng năm (một năm) có 20loài (7,39% tổng số loài xác đinh được dạng sống)và cuối cùng là nhóm cây chồi nửa ẩn có 9loài (chiếm 1,7% tổng số loài xác đinh được dạng sống). Công thức phổ dạng sống của hệ thực vật: SB = 86Ph + 4Ch + 4Hm + 4Cr + 2Th.

Bảng 2. So sánh phổ dạng sống của hệ thực vật KBT Nam Động với phổ dạng sống tiêu chuẩn của Raunkier và phổ dạng sống rừng mưa nhiệt đới của Richard

Đơn vị để so sánh

Dạng sống

Ph (%)

Ch (%)

He (%)

Cr (%)

Th (%)

Phổ dạng sống tiêu chuẩn (theo Raunkier)

46

9

26

6

13

Phổ dạng sống rừng nhiệt đới mưa ẩm (theo Richard)

88

12

0

0

0

Hệ thực vật bậc cao KBT Nam Động

86

4

4

4

2

Từ bảng so sánh nhận thấy rằng tỉ lệ của các nhóm cây cấu thành nên phổ dạng sống của hệ thực vật bậc cao khu Bảo tồn loài Nam Động tiệm cận dần với phổ dạng sống của rừng nhiệt đới mưa ẩm (theo Richard) và phù hợp với phổ dạng sống tiêu chuẩn của Raunkier (1934). Từ đó cho thấy tính chất nhiệt đới của hệ thực vật KBT Nam Động.

Mức độ nguy cấp của các loài quí hiếm: Kết quả đã ghi nhận được tổng số 44 loài thực vật quý hiếm tại KBT Nam Động theo các thang phân loại theo Nghị định 32 (2006), Danh lục đỏ của IUCN (2013) và Sách đỏ Việt Nam – Phần thực vật năm 2007:

+ Theo nghị định 32/2006/NĐ-CP: Hệ thực vật KBT Nam Động có 9 loài, gồm có 4 loài thuộc nhóm IA (Thực vật rừng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại) và 5 loài thuộc nhóm IIA (Thực vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại).

+ Theo thang phân loại của Sách đỏ Việt Nam: Hệ thực vật KBT Nam Động có 18 loài có tên gồm 4 loài Nguy cấp (EN); 14 loài Sẽ nguy cấp (VU);

+ Theo danh lục đỏ của IUCN năm 2013: Hệ thực vật KBT Nam Động đã xác định được 31 loài thực vật bậc cao có tên trong danh lục đỏ của IUCN.

+ Theo thang phân loại thì các loài có đủ dẫn liệu đánh giá được phân làm các cấp độ: cấp độ Nguy cấp (EN) có 4 loài, loài Sẽ nguy cấp (VU) có 2 loài,

Một số loài thực vật nguy cấp quý hiếm tại Khu bảo tồn

2. Hệ động vật

2.1. Về Thú: Thông qua quá trình điều tra thực địa (quan sát, phỏng vấn, kết hợp với tài liệu trước đó) nhóm điều tra đã ghi nhận được 60 loài thú thuộc 20 họ, 08 bộ. Trong đó số loài quan sát trực tiếp được là 24 loài chiếm 40,0%; số loài ghi nhận qua phỏng vấn là 30 loài (50,0%).

– Về mặt phân loại học, bộ Ăn thịt có nhiều họ nhất (5 họ, chiếm 25,0% tổng số họ ghi nhận được), bộ Gặm nhấm và bộ Dơi có 04 họ (chiếm 20,0%), bộ Linh trưởng và bộ guốc chẵn có 02 họ (chiếm 10,0%). Các bộ Chuột voi, bộ Ăn sâu bọ, bộ Nhiều răng đều có 01 họ chiếm 5,0% tổng số họ ghi nhận được (bảng 3).

Bảng 3. Cấu trúc khu hệ Thú tại KBT Nam Động

TT

Bộ

Số họ

Tỉ lệ % họ

Số loài

Tỉ lệ % loài

1

Bộ chuột voi

1

5.00

1

1.67

2

Bộ ăn sâu bọ

1

5.00

1

1.67

3

Bộ nhiều răng

1

5.00

1

1.67

4

Bộ dơi

4

20.00

14

23.33

5

Bộ linh trưởng

2

10.00

7

11.67

6

Bộ ăn thịt

5

25.00

14

23.33

7

Bộ guốc chẵn

2

10.00

2

3.33

8

Bộ gặm nhấm

4

20.00

20

33.33

Tổng số 08 bộ

20

100

60

100

– Xét về đa dạng loài họ Chuột có nhiều loài nhất (10 loài, chiếm 16,67% tổng số loài ghi nhận được); tiếp đến là họ sóc cây có 7 loài (11,67%); họ Dơi nếp mũi có 6 loài (10,0%); họ Khỉ và họ Cầy có 5 loài (8,33%); họ Dơi muỗi, họ Chồn, họ Mèo, họ dơi quả có 3 loài (5,0%); các họ Nhím, Cu li và họ Gấu có 2 loài (3,33%); các họ Dúi, họ Lợn, họ Cầy lỏn, họ Dơi thò đuôi, họ Trâu bò, họ Đồi, họ Chuột chù, họ Chuột voi là những họ duy nhất chỉ có 1 loài (chiếm 1,67%).

– Các loài thú quý hiếm tại KBT Nam Động: Việc xác định các loài thú nguy cấp, quý hiếm là một trong những nội dung quan trọng cho hoạt động quản lý bảo tồn động vật hoang dã của KBT. Giá trị bảo tồn khu hệ Thú là khá cao với tổng số 24 loài chiếm 40,0% tổng số loài thú được liệt kê trong các mức độ nguy cấp khác nhau trong đó: Có 20 loài (chiếm 33,33%) được liệt kê trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 bao gồm: 06 loài được xếp ở mức nguy cấp (EN), 13 loài ở mức sẽ nguy cấp (VU), và 01 loài gần bị đe dọa (NT); Trong Danh lục Đỏ thế giới ghi nhận 24 (chiếm 40,0%) trong đó 01 loài nguy cấp (EN), 10 loài ở mức sẽ nguy cấp (VU); 03 loài ở mức sắp bị đe dọa (NT) và 10 loài ít lo ngại (LC); Trong nghị định 32 NĐ-CP ghi nhận 18 loài (chiếm 31,67%) trong đó: 11 loài nhóm IB, 07 loài nhóm IIB. Trong khi đó có 09 loài (chiếm 15,0%) được liệt kê trong Nghị định 160 NĐ-CP. Ngoài ra có 20 loài (chiếm 33,33%) được liệt kê trong Công ước CTIES với 10 loài thuộc phụ lục I, 07 loài trong phụ lục II, và 03 loài trong phụ lục III.

2.2. Về khu hệ Chim: Qua điều tra tại Khu BT Nam Động ghi nhận 101 loài chim thuộc 38 họ, 10 bộ tại khu vực nghiên cứu (bảng 4). Trong đó quan sát (quan sát, tiếng kêu và thu mẫu) 71 loài chiếm 70,3% tổng số loài ghi nhận được; phỏng vấn ghi nhận được 30 loài chiếm 29,7% tổng số loài ghi nhận được.

– Về mặt phân loại học bộ Sẻ có nhiều họ nhất 23 họ chiếm 60,53% tổng số họ ghi nhận được; bộ Sả có 03 họ (chiếm 7,89%); bộ Gõ kiến, bộ Cắt, bộ Cu cu, bộ Gà có 2 họ (chiếm 5,26%); các bộ Bồ câu, bộ Yến, bộ Cú, bộ Nuốc đều có 1 họ (chiếm 2,63%). Đa dạng phân loại học lớp chim được thể hiện ở bảng 4.

Bảng 4. Bảng tổng kết số bộ, họ và loài chim ghi nhận tại KBT Nam Động

TT

Bộ

Số họ

Tỉ lệ % họ

Số loài

Tỉ lệ % loài

1

Bộ Cắt

2

5.26

4

3.96

2

Bộ Gà

2

5.26

3

2.97

3

Bộ Bồ câu

1

2.63

5

4.95

4

Bộ Cu cu

2

5.26

5

4.95

5

Bộ Cú

1

2.63

1

0.99

6

Bộ Yến

1

2.63

1

0.99

7

Bộ Nuốc

1

2.63

1

0.99

8

Bộ Sả

3

7.89

6

5.94

9

Bộ Gõ kiến

2

5.26

6

5.94

10

Bộ Sẻ

23

60.53

69

68.32

Tổng số 10 bộ

38

100.00

101

100.00

– Xét về đa dạng loài, họ Khướu có số lượng loài nhiều nhất với 14 loài, chiếm 13,86% tổng số loài ghi nhận được; họ Đớp ruồi có 09 loài (8,91); họ Chào mào có 06 loài (5,94%); họ Chim chích, họ Bồ câu, họ Gõ kiến có 05 loài (4,95%); họ Chích chòe, họ Chèo bẻo có 04 loài (3,96%); họ Phường chèo, họ Chìa vôi, họ Bói cá, họ Cu cu, họ Ưng có 03 loài (2,96%); Các họ họ Trĩ, họ Bìm bịp, họ Sả rừng, họ Mỏ rộng, họ Bách thanh, họ Bạc má, họ Chim sâu, họ Hút mật, họ Sáo đều có 02 loài (1,98%) và các họ đều có 1 loài (chiếm 0,99%) là họ Bạc má đuôi dài, họ Chim di, họ Sẻ, họ Nhạn rừng, họ Rẻ quạt, họ Quạ, họ Chiền chiện, họ Chim xanh, họ Nhạn, họ Cu rốc, họ Trảu, họ Yến, họ Nuốc, họ Cú mèo, họ Gà phi, họ Cắt.

– Các loài chim quý hiếm tại KBT Nam Động: Nhìn chung, hầu hết các loài chim điều tra được tại khu vực đều ít có nguy cơ bị đe dọa. Trong tổng số 101 loài đã ghi nhận được có 08 loài (chiếm 7,92%) thuộc các loài quý, hiếm có giá trị bảo tồn. Trong đó có 06 loài (5,94%) được liệt kê trong Danh lục đỏ Thế giới và đều xếp hạng ít quan tâm (LC); Có 03 loài (2,97% tổng số loài ghi nhận được) nằm trong phụ lục II- hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại được liệt kê trong Nghị đinh 32 của Chính Phủ. Trong khi đó Công ước CITES cũng có 07 loài (6,93%) được liệt kê trong phụ lục II của Công ước CITES.

2.3. Về Khu hệ Bò sát, Ếch nhái: KBT Nam Động đã ghi nhận được tổng số 29 loài Bò sát thuộc 14 họ, 2 bộ. Trong đó quan sát 18 loài (chiếm 62,0% tổng số các loài ghi nhận được) và phỏng vấn ghi nhận 11 loài (38,0%). Về Ếch nhái ghi nhận được tổng số 25 loài Ếch nhái thuộc 07 họ, 01 bộ. Trong đó quan sát trực tiếp được 22 loài (chiếm 88,0% tổng số các loài ghi nhận được), phỏng vấn ghi nhận 3 loài (12,0%).

– Xét về mặt phân loại học, bộ Có vảy có nhiều họ nhất (10 họ, chiếm 26,32% tổng số họ bò sát, ếch nhái ghi nhận được), tiếp đến là bộ Không đuôi có 07 họ (chiếm 18,42%), bộ Rùa có 04 họ (chiếm 10,53%). Đa dạng phân loại học lớp Bò sát, Ếch nhái tại KBT Nam Động được trình bày tại bảng 5.

Bảng 5. Bảng tổng kết số bộ, họ và loài Bò sát, Ếch nhái tại KBT Nam Động

TT

Bộ

Số họ

Số loài

BÒ SÁT

1

Bộ có vảy

10

23

2

Bộ rùa

4

6

ẾCH NHÁI

3

Bộ không đuôi

7

25

Tổng số 03 bộ

21

53

– Xét về đa dạng loài cho thấy họ họ Ếch nhái có số lượng loài nhiều nhất với 09 loài, chiếm 16,67% tổng số loài Bò sát, Ếch nhái ghi nhận được; Họ Rắn nước có 08 loài (14,81%); Họ Nhái chính thức, họ Ếch cây có 05 loài (chiếm 9,26%); Họ Rùa đầm, họ Nhông, họ Nhái bầu có 03 loài (chiếm 5,56%); Họ Thằn lằn bóng, họ Tắc kè, họ Rắn hổ, họ Rắn lục, họ Cóc, họ Cóc bùn có 02 loài (chiếm 3,70%) và các họ có 01 loài (chiếm 1,85%) bao gồm họ Rùa núi, họ Ba ba, họ Rùa đầu to, họ Rắn ri, họ Rắn mống, họ Nhái bén, họ Trăn và họ Kỳ đà.

– Các loài Bò sát, Ếch nhái quý hiếm tại KBT Nam Động: Trong tổng số 54 loài bò sát, ếch nhái ghi nhận được tại khu vực nghiên cứu có 17 loài bị đe dọa từ mức sẽ nguy cấp (VU) trở lên chiếm 31,48% tổng số các loài ghi nhận được (bảng 3.14). Trong đó Danh lục Đỏ thế giới năm 2015 có 13 loài (24,07%), với 01 loài xếp ở cấp cực kỳ nguy cấp (CR), 04 loài xếp ở mức nguy cấp (EN), 02 loài xếp ở mức sẽ nguy cấp (VU). Có 13 loài (chiếm 24,07%) được liệt kê trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007, trong đó có 01 loài xếp ở mức cực kỳ nguy cấp (CR), 06 loài xếp ở mức nguy cấp (EN), 06 loài xếp ở mức sẽ nguy cấp (VU). Có 01 loài (chiếm 1,85%) được liệt kê vào danh sách các loài nguy cấp, quý, hiếm ưu tiên bảo vệ trong Nghị định 160/ 2013/NĐ-CP. Trong khi đó có 07 loài (12,96%) nằm trong phụ lục II- hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại được liệt kê trong Nghị đinh 32 của Chính Phủ. Ngoài ra có 08 (chiếm 14,81%) loài được liệt kê trong phụ lục của công ước CITES, trong đó có 01 loài ở phụ lục I, 06 loài ở phụ lục II, 01 loài ở phụ lục III.

2.4. Về Côn trùng: Tại KBT Nam Động ghi nhận có 57 loài, 46 giống, 24 họ, 11 bộ. Trong đó bộ Cánh vẩy có số lượng loài lớn nhất với 27 loài, 20 giống, 8 họ. Sở dĩ có sự phong phú đó bởi vì khu vực nghiên cứu có điều kiện môi trường thuận lợi về nhiệt độ, độ ẩm. Mặt khácđây là nơi cư trú, nguồn thức ăn phong phú và dồi dào cho các loài côn trùng.

– Đánh giá mức độ đa dạng loài của các họ và giống côn trùng: Với 11 bộ côn trùng, mỗi bộ có nhiều họ, giống, loài khác nhau. Kết quả thống kê ở bảng sau đây cho thấy mức độ đa dạng loài của các giống côn trùng:

Bảng 6: Mức độ đa dạng loài của Taxon giống

Giống có

1 loài

2 loài

3 loài

4  loài

5 loài

6 loài

7 loài

Số giống

41

3

1

0

0

0

1

%

89.13

6.52

2.17

0.00

0.00

0.00

2.17

Bảng 6 cho thấy có tới 89,13% số giống chỉ mới thu được 1 loài. Số giống thu được nhiều loài nhất chiếm tỷ lệ rất ít chỉ chiếm 2.17%.

Mức độ đa dạng loài của các giống côn trùng như sau:

Bảng 7: Mức độ đa dạng loài của Taxon họ

Giống có

1 loài

2 loài

3 loài

4  loài

5 loài

6 loài

7 loài

Số họ

9

8

2

1

3

0

1

Tỷ lệ %

37.50

33.33

8.33

4.17

12.50

0.00

4.17

Bảng 7 cho thấy tại khu vực nghiên cứu là họ có một loài chiếm tỷ lệ cao nhất 37,50%, họ thu được nhiều loài nhất chiếm tỷ lệ rất ít chỉ chiếm 4.17%.

– Đánh giá độ bắt gặp của các loài côn trùng: Để đánh giá mức độ bắt gặp của các loài côn trùng tại KBT Nam Động căn cứ vào tỷ lệ Pi%. Kết quả thu được như sau:

Bảng 8: Tỷ lệ % của các loài côn trùng thuộc ba nhóm

P%

Số loài

%loài

Phân bố

<25%

35

60.34

Ngẫu nhiên

25-50%

15

25.86

Không đều

>50%

8

13.79

Đều

Tổng

58

100.00

– Kết quả điều tra thấy rằng phần lớn phân bố các loài bướm ngày ở khu vực có dạng phân bố ngẫu nhiên (chiếm 60,34 %); 8 loài côn trùng có phân bố đều (chiếm 13,79 %). Các loài có phân bố không đều: 15 loài (chiếm 25,86 %).

Một số loài thực vật nguy cấp quý hiếm tại Khu bảo tồn

Kết quả điều tra đã bổ sung mới cho KBT Nam Động 155 loài thực vật, 40 loài thú, 101 loài chim, 56 loài bò sát, ếch nhái so với kết quả nghiên cứu trước đây./.

 

Bài viết liên quan

Thư viện ảnh - video

Khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động
Bài viết hình ảnh
Tập huấn kỹ thuật PCCCR tại huyện Quan Sơn

Tin mới nhất

Hoạt động - Sự kiện