Khu bảo tồn Nam Động

Khu bảo tồn các loại hạt trần quý, hiếm
Trang chủ / Tin tức / Các loài Hạt trần quý hiếm tại xã Nam Động, huyện Quan Hóa – báu vật tạo hóa của thiên nhiên

Các loài Hạt trần quý hiếm tại xã Nam Động, huyện Quan Hóa – báu vật tạo hóa của thiên nhiên

Ngành Hạt trần (Gymnospermae) với những loài cây có nguồn gốc cổ xưa nhất, khoảng trên 300 triệu năm. Các vùng rừng cây hạt trần tự nhiên nổi tiếng thường được nhắc tới ở Châu Âu với các loài Vân sam (Picea), Thông (Pinus); Bắc Mỹ với các loài Thông (Pinus), Cù tùng (Sequoia, Sequoiadendron) và Thiết sam (Pseudotsuga); Đông Á như Trung Quốc và Nhật Bản với các loài Tùng bách (Cupressus, Juniperus) và Liễu sam (Cryptomeria). Số lượng các loài cây hạt trần bản địa của nước ta ước tính kho 603 loài.

Pha Phanh là núi đá vôi, có địa hình dốc nằm trọn trong địa giới hành chính xã Nam Động, huyện Quan Hóa. Nguồn tài nguyên rừng còn khá phong phú, đa dạng và còn mang tính nguyên sinh, đặc biệt là các quần xã rừng lá kim nguyên thuỷ trên đỉnh với 6 loài hạt trần cổ: Thông pà cò (Pinus kwangtungensis), Đỉnh tùng (Cephalotaxus mannii), Dẻ tùng sọc hẹp (Amentotaxus argotaenia), Thông tre lá dài (Podocarpus neriifolius), Dẻ tùng sọc rộng (Amentotaxus yunnanensis), Thông đỏ đá vôi (Taxus chinensis). Các loài vừa nêu đều có tên trong Danh lục đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ Thế giới IUCN (2012).

Không phải ngẫu nhiên mà một số chuyên gia thực vật đầu ngành, cụ thể là GS.TS Phan Kế Lộc, TS Hoàng Văn Sâm và các cộng sự thuộc Viện Sinh thái và Xây dựng Công trình đã khẳng định, giá trị bảo tồn cao nhất của núi đá vôi Pha Phanh là các quần xã rừng lá kim nguyên sinh phân bố tập trung trên đỉnh và các đường dông ở độ cao từ 700 -1.600m. Điểm nhấn sinh động nhất, khẳng định sự đa dạng sinh học của các loài Hạt trần ở đây chính là vấn đề tái sinh hạt rất phát triển, nó phản ánh được tình trạng thành thục và khả năng thích nghi của loài cây đối với hoàn cảnh tiểu khí hậu trong khu vực (trong điều kiện tương đồng tại Khu BTTN Pù Luông không phát hiện thấy tái sinh hạt của Thông pà cò). Các quần thể các loài cây Hạt trần hiện có trong khu vực còn dễ dàng bắt gặp trong tự nhiên. Ngoài 6 loài hạt trần tạo nên tầng ưu thế sinh thái thì một thành phần khác cũng không kém độc đáo so với quần xã rừng lá kim là các ngành Khuyết lá thông, Thông đất, Dương xỉ, Ngọc lan với 373 loài thuộc 276 chi, 116 họ thực vật. Bên cạnh đó, đáng chú ý là loài Bò tót, Voọc xám, 2 loài động vật rất có giá trị được ghi nhận có sự hiện diện trong khu vực.

Từ những dẫn liệu trên cho thấy, đề xuất xác lập Khu bảo tồn các loài Hạt trần quý hiếm tại xã Nam Động, huyện Quan Hóa có diện tích 646,95 ha nhằm bảo tồn các loài Hạt trần quý hiếm là hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí là Khu bảo tồn loài – sinh cảnh được nêu trong Luật Bảo vệ và PTR, Luật Đa dạng sinh học, Nghị định 117. Việc công nhận Pha Phanh là Khu Bảo tồn loài không chỉ bảo tồn được một di sản, báu vật thiên nhiên của quốc gia với một số loài thực vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng, mà còn góp phần bảo tồn các hệ sinh thái độc đáo, đặc thù, tạo cơ hội để phát triển du lịch sinh thái trong tương lai của huyện Quan Hóa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung./.

Bài viết liên quan

Thư viện ảnh - video

Khu bảo tồn các loài hạt trần quý, hiếm Nam Động
Bài viết hình ảnh
Tập huấn kỹ thuật PCCCR tại huyện Quan Sơn

Tin mới nhất

Hoạt động - Sự kiện